Hiện nay, nhiều công ty hàng đầu thế giới như Google, Microsoft, Pepsi, Deutsche Bank, MasterCard, Adobe Systems, hay công ty về tiêu dùng Reckitt Benckiser đều có điểm chung là họ sử dụng các CEO gốc Ấn Độ để điều hành.
Liệu có điều gì khiến người gốc Ấn được tin tưởng để giao phó các vị trí trọng yếu này? Hầu hết họ đều ở độ tuổi 40-50 và đã tốt nghiệp các trường đại học quốc tế danh tiếng ở Mỹ hoặc Anh, trước đó họ xuất thân và học phổ thông ở Ấn Độ.
Trong số đó phải kể tới những CEO nổi bật như Sundar Pichai (Google) và Satya Nadella (Microsoft), họ đều là những sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật từ các trường Đại học hàng đầu của Ấn Độ, họ có bằng MS (Master of Science) và MBA (thạc sĩ quản trị kinh doanh) ở nước ngoài. Còn những CEO khác như Indra Nooyi (Pepsi) , Ajay Banga (MasterCard) và Ivan Menezes (Diageo) đều là những người lấy bằng MBA từ các trường thuộc Học viện quản lý Ấn Độ (IIM).
Nhưng phải có một lý do tại sao khiến hiện có rất nhiều người (gốc) Ấn Độ mà không phải nước khác mới nổi như Trung Quốc, Nga hay Nhật lại trở thành những người điều hành các doanh nghiệp có ảnh hưởng trên thế giới như chúng ta đang thấy? Điều gì khiến cho người Ấn Độ phù hợp với các vị trí CEO tại các công ty công nghệ?
Câu trả lời cho những câu hỏi này rất đơn giản. Người quản lý gốc Ấn Độ đang “lên đỉnh” vì họ có sự kiên trì. Họ có đủ kiên nhẫn để từ từ vươn lên từ các vị trí thấp trong một công ty và cũng không luân chuyển qua các công ty khác, cho tới khi họ đạt được cấp độ kinh nghiệm và tin cậy nhất định. Họ đã 'đạt được' (chứ không phải 'trở thành') những gì mà họ xứng đáng với các vị trí lãnh đạo (họ đang có). Sau hơn hai thập kỷ làm việc chăm chỉ tại Microsoft, Nadella đã được bổ nhiệm làm CEO. Còn Sundar Pichai đã làm việc cho Google từ năm 2004. Nooyi cũng đã gia nhập PepsiCo vào năm 1994 và đã đồng hành cùng họ kể từ đó.
Ngoài ra, các CEO gốc Ấn khác như Anshu Jain, Menezes và Narayen đều đã kiên nhẫn làm việc trong các công ty tương ứng của họ suốt hơn một thập kỷ trước khi được bổ nhiệm vào vị trí CEO. Narayen là chủ tịch kiêm CEO của Adobe. Ông gia nhập Adobe vào năm 1998 và trở thành CEO công ty này vào năm 2007. Ông đã góp phần vào thành công của Adobe trong việc chuyển thương hiệu phần mềm thiết kế sáng tạo sang nền tảng đám mây và được tạp chí Barron đề cử là một trong những CEO giỏi nhất thế giới vào năm 2016 và 2017.
Một điểm quan trọng khác cần ghi nhận đối với người Ấn Độ là sự khiêm tốn trong công việc. Bạn có thể là một CEO nhưng vẫn là người ngồi làm việc cả ngày trong văn phòng, tham gia trực tiếp vào các dự án, di chuyển khắp văn phòng từ bàn này sang bàn khác để làm việc với các nhân viên mà không nề hà gì. Theo nghiên cứu, khi có được cảm giác rằng công ty thực sự quan tâm, các nhân viên sẽ có sự trung thành mạnh mẽ vượt xa các phần thưởng tài chính vốn “dễ đến và dễ đi”. CEO Indra Nooyi của Pepsi Co cho rằng cần tôn trọng nhân viên của mình trong cả cuộc sống ở ngoài công ty nữa, chứ không chỉ là một nhân viên của hãng. CEO của công ty bán dẫn hàng đầu thế giới GlobalFoundries là Sanjay Kumar Jha cũng nổi tiếng với việc sẵn sàng xắn tay áo nhảy vào làm việc cùng với các đồng nghiệp công nghệ của mình.
Một đức tính khác là người Ấn thường tập trung vào các chiến lược dài hạn và có khả năng đạt được mơ ước của họ. CEO Nadella của Microsoft đã chia sẻ với nhân viên của mình trong bức thư đầu tiên lúc nhậm chức rằng, “chúng ta cần tin vào những điều không thể và loại bỏ những điều không thiết thực” (We need to believe in the impossible and remove the improbable).
Điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là ngôn ngữ. Người Ấn rất thành thạo tiếng Anh và họ có khả năng giao tiếp lưu loát tiếng Anh hơn các vị lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản hay một số quốc gia mới nổi khác. Rất có thể các sản phẩm của các quốc gia khác tốt nhưng lại thiếu khả năng giao tiếp và tiếp thị với thế giới một cách trọn vẹn như người Ấn đang làm, điều đó thật đáng tiếc. Chúng ta có thể coi đây là một dấu ấn tích cực của giai đoạn thực dân Anh đô hộ Ấn Độ, bên cạnh hàng tá những hậu quả tiêu cực khác trong giai đoạn lịch sử đó.
Với sự gia tăng của các CEO gốc Ấn ở các tập đoàn có ảnh hưởng như Microsoft, Google, MasterCard, PepsiCo, câu hỏi đặt ra là liệu tham vọng công nghệ của chính người Ấn đang ở đâu? Bởi hiện vẫn rất khó tìm thấy các phiên bản “Ấn Độ” của Microsoft, Google,… ở quốc gia này. Vì sao một số công ty như Apple lại vẫn “miễn nhiễm” với các nhà lãnh đạo gốc Ấn?
Rõ ràng là Ấn Độ hiện vẫn đang ở trong giai đoạn cực thịnh về khởi nghiệp, với hàng loạt startup như Flipkart, Paytm, Hike, Ola, Freecharg,.. vấn đề chỉ còn là thời gian trước khi các doanh nghiệp mới nổi này chuyển dịch dần sang các công ty đa quốc gia. Đó cũng là bài học đáng để cho các quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể học hỏi, từ cách tiếp cận ngôn ngữ “quốc tế” là tiếng Anh cho tới sự kiên nhẫn của giới trẻ Ấn Độ trong công việc, trước khi được ghi nhận và đề bạt ở những vị trí quản lý quan trọng.
Dưới đây là danh sách một số CEO gốc Ấn tiêu biểu ở các tập đoàn hàng đầu tại Mỹ và châu Âu:
1. Sundar Pichai- Google
2. Satya Nadella- Microsoft
3. Chaianu Narayen- Adobe Systems.
4. Anshuman Jain - Deutsche Bank
5. Indra Nooyi- Pepsi Co.
6. Ajaypal Singh Banga- Mastercard
7. Rajeev Suri - Nokia
8. Sanjay Jha- Global Foundries
9. Sanjay Mehrotra - Sandisk
10. Dinesh Paliwal- Harman International Industries
Bên cạnh các CEO gốc Ấn khác của những tập đoàn lớn như NetApp, Reckitt Benckiser, Motorola, Micron, Softbank Vision Found, Citigroup, Diageo, Novartis…
Thanhnien.vn
0 nhận xét:
Post a Comment