Đặng Tộc |
Cuốn gia phả cổ về họ Đặng còn lưu giữ được ở Vũ Thư (Thái Bình) cho biết: Thời Lý, cụ Đặng Phúc Mãn quê gốc ở Lộ Ứng Thiên, nay là vùng hữu ngạn trung lưu sông Đáy, đi xây hành cung vua Lý. Vì có công, ông được vua Lý ban lộc điền ở An Đề, nay là huyện Vũ Thư (Thái Bình).
Tại đây, cụ đã sinh ra trưởng nam là Đặng Nghiêm, người khai khoa cho cho xứ Sơn Nam gồm các tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và một phần Hà Nội ngày nay, tại khoa thi năm Ất Tỵ niên hiệu Trịnh phù thứ 10 đời vua Lý Cao Tông (1185). Và cụ cũng chính là người khai khoa cho dòng họ. Hiện nay, nhiều chi họ Đặng trong cả nước xây đền, đúc tượng thờ Tiền hiền Đặng Nghiêm.
Hậu duệ của Tiền hiền Đặng Nghiêm, nhiều người hiển đạt. Thời kỳ đầu nhà Trần, các sĩ tử: Đặng Diễn, đậu Nhị giáp khoa thi Thái học năm Kiến Trung thứ 8 đời Trần Thái Tông (1232). Đặc biệt là Đặng Ma La, đậu Thám hoa khoa thi năm Đinh Mùi niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ 16 (1247) khi mới 14 tuổi (là nhà khoa bảng trẻ tuổi thứ hai sau Nguyễn Hiền 13 tuổi)…
Nhiều con, cháu của Thám hoa Đặng Ma La đều là những hiền tài, người được cử đi sứ; người đi trấn ải biên thùy. Một trong những người được coi là nhà khoa học tự nhiên sớm nhất của nước ta là Đặng Lộ, ông đã chế tạo thành công một dụng cụ dùng xem thiên văn gọi là “Linh lung nghi”, để đo đạc, xác định vị trí các sao, độ lệch giữa mặt trời và mặt trăng so với xích đạo qua các tháng trong một năm và liên tục trong nhiều năm.
Sử sách thời đó đã đánh giá về ông như sau: “Linh lung nghi để xét nghiệm thiên tượng đều được đúng cả”. Những công trình nghiên cứu công phu về thiên văn của Đặng Lộ đã giúp ích cho việc tính toán, chia thời vụ trong sản xuất nông nghiệp và đắp đê phòng chống lũ lụt mà sinh thời, các vua nhà Trần rất quan tâm. Những gì mà Đặng Lộ đã nghiên cứu ngay từ thế kỷ XIV, được coi là những phát minh không thua kém người phương Tây trong một lĩnh vực khoa học khó khăn như thiên văn học...
Con trai cụ Đặng Lộ là Thái Bảo Hậu nhân hầu Đặng Bá Kiển, được cử vào phía Nam núi Hồng Lĩnh, tạo thành một chi họ Đặng ở đất Hoan Châu. Tại đây đã sản sinh ra hai danh tướng họ Đặng là cha con Đặng Tất, Đặng Dung. Người đã được vua Lê Thái Tổ khi qua viếng quê hương ông có cảm khái đề đôi câu đối: “Quốc sĩ vô song song Quốc sĩ/ Anh hùng bất nhị nhị Anh hùng”. Và Đền thờ hai ông được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, trở thành niềm tự hào của dòng tộc và đất nước…
Như một dòng chảy, con cháu dòng họ Đặng, cũng như bao dòng họ khác của cả nước, đã có nhiều đóng góp xứng đáng cho dân tộc.
0 nhận xét:
Post a Comment