Trong những lời gia huấn, nhà Nho lỗi lạc thời Thanh, Tăng Quốc Phiên, từng dặn dò con cháu rằng: “Đạo đức gia truyền, sẽ hưng vượng mười đời trở lên, đọc sách gia truyền xếp phía sau, thi thư gia truyền xếp sau nữa, còn phú quý gia truyền chỉ được không quá ba đời”. Một gia đình muốn hưng thịnh bền lâu, cần dựa vào đạo đức lương thiện và việc đọc sách. Gia tộc Phạm Trọng Yêm, một danh nhân thời Bắc Tống, là một minh chứng tốt nhất.
Đạo đức truyền gia
Phạm Trọng Yêm thời nhỏ từng tìm một vị thầy bói để hỏi về sự nghiệp của mình.
Khi gặp mặt, ông hỏi rằng: “Ông xem giúp cháu, liệu cháu có thể làm tể tướng không?”
Thầy bói giật nảy mình, nói với Phạm Trọng Yêm: “Thằng bé này tuổi thì nhỏ, mà sao khẩu khí lớn vậy?”
Phạm Trọng Yêm ngại ngùng nói: “Thế ngài xem cháu có thể làm thầy thuốc được không?”
Thầy bói có đôi chút nghi hoặc hỏi: “Sao hai điều này lại chênh lệch quá như vậy?”
Phạm Trọng Yêm đáp: “Bởi vì chỉ có lương y mới có thể cứu người”. Hóa ra chí hướng của Phạm Trọng Yêm là cứu người, làm tể tướng hay làm lương y đều là vì người khác, chỉ có điều làm tể tướng thì có thể vì người khác nhiều hơn.
Thầy bói nghe xong, bèn nói với Phạm Trọng Yêm: “Cháu có một trái tim lương thiện như vậy, sau này nhất định có thể làm tể tướng”.
Quả nhiên sau này Phạm Trọng Yêm đã làm tể tướng.
Phạm Trọng Yêm cứu tế học trò, giảm nô dịch, xây dựng nghĩa điền, hành thiện ân trạch khắp thiên hạ. Trong cuốn “Nghĩa Điền Ký” của Tiền Công Phụ có một đoạn ghi chép như sau: Phạm Trọng Yêm bỏ ra rất nhiều tiền mua mấy ngàn mẫu ruộng tốt. Ông không dùng ruộng đất để làm giàu, mà ngược lại mang tất cả ruộng đất đó coi là ruộng công ích, để bách tính khỏi phải chịu nỗi khổ đói khát, cơ hàn, nhưng không cấp ruộng cho những người làm quan.
Con cháu đời sau kế thừa lòng thiện tâm của ông, do vậy nghĩa cử của ông được kéo dài thêm vài trăm năm. Sau này do thời chiến loạn, ruộng công ích từng bị huỷ mất.
Hai anh em Phạm Lương Khí, Phạm Chi Nhu, cháu đời thứ 5 của Phạm Trọng Yêm, lại tiếp tục cống hiến toàn bộ gia sản của mình để ruộng công ích được khôi phục trở lại.
Phạm Trọng Yêm đã gieo hạt giống lương thiện trong gia tộc. Con cháu đời sau của ông không ngừng bồi đắp, mãi cho đến khi nó trở thành một cây đại thụ giữa trời xanh. Cây đại thụ ấy chở che cho con cháu đời đời, từ thời Tống mãi cho đến thời Mạt Thanh, hưng vượng suốt 800 năm.
Đọc sách truyền gia
Một gia tộc muốn hưng vượng trường tồn ngoài thiện tâm hành thiện, còn cần đọc sách, học hỏi. Trong cuốn “Dữ Trung Xá Thư” của Phạm Trọng Yêm gửi người nhà, ông từng nói về vấn đề giáo dục con cháu như sau:
Đôn đốc con cái học hành, chăm học khổ luyện, không để chúng sống cho qua ngày. Phải để chúng hiểu rằng, chỉ khi học hành mới có được thành tựu, nhân sỹ có tài làm quan mới có thành tựu.
Huynh trưởng của Phạm Trọng Yên muốn cho con trai mình đi cửa sau, bèn nhờ Phạm Trọng Yêm cho hai con của ông ta được trúng tuyển, nhưng Phạm Trọng Yêm nghiêm khắc từ chối. Ông hy vọng cháu của mình có thể chăm chỉ học hành, dựa vào chân tài thực học của bản thân, như vậy mới không khiến người khác coi thường.
Phạm Trọng Yêm nói: “Canh độc mạc lãn, khởi gia chi bổn; tự chỉ mạc khí, thế gia chư bảo”, ý rằng “Học hành đừng lười biếng, đó là cái gốc dựng nhà. Sách vở đừng bỏ dở, đó là bảo vật của thế gian”. Đồng thời ông coi câu này cũng là gia huấn cho gia tộc mình.
Nhờ sự giáo dục của ông, con cháu nhà họ Phạm đều không vứt bỏ việc học hành. Hiền tướng danh thần đời nào cũng có, trở thành giai thoại đẹp giữa nhân gian.
Xưa nay hầu hết những người có thành tựu đều thích đọc sách. Đọc một cuốn sách tốt, chúng ta có thể gặt hái được những tri thức mình chưa từng biết, thấu hiểu được những kiến giải khác nhau, và có thể lắng nghe lời dạy dỗ của các bậc trí giả.
Sách tốt có thể mở mang tầm mắt của con người, giúp họ có thêm động lực tinh thần, giúp tấm lòng con người khoáng đạt hơn, tầm nhìn xa rộng hơn, và trở thành một người có nội tâm phong phú. Như một danh nhân nói rằng: “Thế gian mấy trăm năm các gia tộc cổ lão còn tồn tại đều không ngoài việc tích đức, và việc hay nhất trong thiên hạ thì vẫn là việc đọc sách”.
0 nhận xét:
Post a Comment