Không ít người vẫn xem việc dạy dỗ con cái là trách
nhiệm của người mẹ. Người cha chỉ “xử lý” khi kết quả việc dạy dỗ đó
không tốt. Thực ra, vai trò dạy con của người cha là rất quan trọng. Để
người cha có thể hiểu, chia sẻ với con, dạy dỗ con tốt thì không thể
thiếu sự nghiêm khắc và gần gũi.
Người cha cần nghiêm khắc, cứng rắn, thậm
chí có lúc phải “đóng vai ác” trong dạy dỗ con nói riêng và ứng xử với
con nói chung. Người cha không thể “giỡn chơi”, “ba phải”, thất hứa với
con một cách quá đà, vô lối. Người cha nên có “nguyên tắc” với con, như
đối với con ở tuổi thiếu niên, việc học phải đặt lên hàng đầu; không tùy
tiện hứa, đã hứa thì phải giữ lời với con; có thể phạt con nhưng phải
phạt cho đúng (có lý do, không phạt vô chừng) và phạt cho nghiêm… Một
người bạn của tôi giận con vì nhà đang có khách mà mè nheo đòi đi chơi,
phạt con úp mặt vào tường. Sau đó hết giận lại tha, nhưng không nêu được
con mắc lỗi gì, vì sao không được làm như thế, lần sau tái phạm thì thế
nào… Đó là biểu hiện không nghiêm, khó thuyết phục con.
Nghiêm không có nghĩa là tạo ra khoảng cách với con. Có nhiều người
cha vì sợ con “lờn mặt” nên lúc nào cũng lạnh lùng, nghiêm nghị với con,
khiến trẻ không dám gần, mà có gần cũng không cảm thấy thoải mái. Điều
đó hẳn không hay, bởi như thế sẽ không hiểu được con, mà không hiểu thì
khó có thể dạy dỗ hoặc ứng xử tốt với con. Và ngược lại, con cũng không
hiểu cha, thấy cha cách biệt quá, tình cha con vì thế ít thân mật, không
khí gia đình ít vui vẻ.
Người cha cũng cần có sự gần gũi, thân ái, thậm chí hòa đồng với con.
Lúc này, tình thương của cha được con cảm nhận rõ nhất, bởi trẻ không
thấy sự cách biệt giữa mình và cha.
Có rất nhiều dịp để cha con không có khoảng cách đáng kể. Đang ăn
cơm, cha con có thể cười nói vui vẻ. Con thích ăn cái này hoặc không
thích ăn cái kia thì người cha có thể thuyết phục con. Ví dụ, con không
thích ăn cá thì có thể nói: Con ăn cá để thông minh giống ba. Hay đi dã
ngoại, cha có thể chỉ cho con cánh diều, con trâu… và kể cho con nghe
những chuyện hồi thơ ấu; từ đó trẻ sẽ hiểu thêm nhiều điều và thấy cha
gần gũi, hòa đồng…
Để gần gũi con mà không bị “lờn mặt”, các ông bố cố gắng đừng tự vi
phạm các “nguyên tắc” do mình đặt ra. Tức là phải đủ nghiêm trong những
trường hợp cần thiết và phải giữ vững sự nghiêm nghị đó. Nói cách khác,
người cha đừng tự dễ dãi với mình thì sẽ không khiến con “lờn mặt”.
Vai trò người cha thường được xem là trụ cột cả về vật chất lẫn tinh
thần cho con cái nói riêng và gia đình nói chung. Do đó, các ông bố phải
nghiêm để làm gương cho con noi theo và cũng là vạch ra đường hướng
phát triển nhân cách để con học tập.
Tuy nhiên, xã hội ngày càng cởi mở, chỉ nghiêm khắc không thôi thì
rất khó dạy con hiệu quả. Do đó, cần phải khoan dung, độ lượng, gần gũi,
chan hòa để có thể vừa làm cha, vừa làm bạn với con. Có gần gũi thì con
cái mới thoải mái giãi bày, từ đó mới hiểu mà định hướng cho con. Có
nghiêm thì mới có thể tạo cho con tính tự nghiêm khắc với mình, từ đó
mới có thể "miễn dịch" với những thói hư tật xấu và thích nghi tốt với
cuộc sống.
Theo báo Phụ Nữ
0 nhận xét:
Post a Comment