Vừa là những nhân vật xuất chúng trong tiểu thuyết, lại vừa có thật trong lịch sử Trung Quốc, bộ ba Tào Tháo, Lưu Bị, Gia Cát Lượng đều là bậc anh hùng trong thiên hạ tốn nhiều bút mực của các nhà nghiên cứu, đánh giá.
Gian hùng Tào Tháo
Nhắc đến nhân vật này, nhân gian lưu truyền “Đa nghi như Tào Tháo” để nói về tính cách của ông, một người luôn nghi ngờ người khác, không bao giờ tin bất cứ ai cho dù đó là những người thân cận nhất. Tướng tài Dương Tu bị khép tội tiết lộ quân cơ, đem ra chém đầu chỉ vì nghe mật lệnh “Kê Cân” trong một lần chinh phạt nhà Thục của Tào Tháo.
Tào Tháo cũng từng chém chết tên lính canh chỉ vì hắn rón rén đến gần giường định đắp chăn cho chủ tướng.
Có thể thấy Tào Tháo là một nhân vật đa nghi, tàn ác nhưng Tháo lại chính là một chính trị gia đại tài. Tào Tháo mưu lược hơn người, đa mưu túc trí.
Là một kẻ anh hùng thời bình và gian hùng thời loạn. Ông là người đặt cơ sở cho thế lực quân sự cát cứ ở Miền Bắc Trung Quốc, lập nên chính quyền Tào Ngụy thời Tam Quốc, ông còn có công lớn trong dẹp loạn giặc Khăn Vàng và Đổng Trác. Tuy nhiên, Tào Tháo bị hậu thế gán cho hai chữ “gian tặc” vì ông đã soán đoạt ngôi nhà Hán . Tháo thu phục được nhiều tướng tài, binh giỏi, biết cách dùng người nên khắp nơi đều theo về. Hạ Hầu Đôn, Trương Liêu, Từ Hoảng.... những tướng tài đều trung thành với Tháo. Mưu giỏi kế hay như Quách Gia, Giả Hủ, Tuân Úc.. đều quyết hiến kế cho ông.
Mặc dù biết dùng người, chiêu tài nhưng với bản tính đa nghi và sự thông minh mưu trí, ông không hoàn toàn dựa vào họ mà luôn bày kế điều quân khiến mọi quân thần đều phán phục ‘thừa tướng thật là thần cơ diệu toán”.
Tào Tháo cũng rất chăm lo, chú ý đến đời sống nhân dân, dưới thời Ngụy, nhân dân luôn no đủ, sung túc. Khi xảy ra chiến tranh ông vẫn không cho binh lính phá hoại sinh hoạt canh tác của dân.
Tào Tháo thực xứng đang là một anh hùng, văn võ trí toàn song lược. Nếu xét dưới góc độ tài trí mưu lược chắc chắn Tháo được đánh giá ở vị trí đầu tiên.
Anh hùng Lưu Bị
Đánh giá về nhân vật này, có nhiều ý kiến trái chiều. Có người cho rằng Lưu Bị xứng đáng là anh hùng vì đã xây dựng nên Thục Hán nhằm mục đích trung hưng nhà Hán vào thời Tam Quốc, biết chiêu dụng hiền tài, tin tưởng và trọng dụng kẻ sĩ.
Tuy nhiên cũng có nhiều người cho rằng Lưu Bị không xứng đáng vì nhiều khi nhún nhường, có thể vứt bỏ vợ con bạn bè mà chạy tháo thân. Không đưa ra ý kiến mà chỉ nhờ vào kế hiến của các tham mưu.
Có thể thấy trong một nhân vật luôn tồn tại những mặt đối lập nhau. Không thể phủ nhận Lưu Bị là một nhà chính trị, nhà quân sự tài giỏi. Ông dựng quân, chiêu tướng, mộ người tài đồng lòng giúp sức với mình dẹp loạn xây Thục Hán. Chính Đào Khiêm đã nhận ra Lưu Bị (Huyền Đức) là một anh hùng: Khoan dung, độ lượng và biết thu phục nhân tâm.
Người theo Lưu Bị nhiều không kể xiết, trong đó có những người từ thủa ban đầu như Tử Long, Tôn Càn, My Chúc, Mã Lương.... và chính ông cũng đã 3 lần tới mời Gia Cát Lượng về chứng tỏ thái độ trọng người tà của ông.
Thua xa Tào Tháo về tài điều binh khiển tướng nhưng bù lại Lưu Bị lại có lòng nhân hậu và đức tin tuyệt đối vào người thân cận. Ngay cả khi quân tình nguy cấp, gia quyến thất lạc, mọi người đều bảo Tử Long theo hàng Tào Tháo, chỉ một minh Lưu Bị vẫn giữ lòng tin “Tử Long theo ta đã lâu, quyết không bao giờ phản ta cả.”.
Chính Tào Tháo đã thừa nhận mà nói với Lưu Bị rằng : “Anh hùng trong thiên hạ chỉ có ta và sứ quân mà thôi” khiến Lưu Bị giật mình đánh rơi đũa. Điều đó chứng tỏ đến một nhân vật đa nghi, cầm quân mưu lược như Tháo cũng phải nể phục Lưu Bị. Ông xứng đáng là một minh quân hiền triết.
Quân sư Gia Cát Lượng
Gia Cát Lượng, tự là Khổng Minh, hiệu là Ngọa Long tiên sinh, là nhà quân sư, ngoại giao đại tài của nước Thục thời Tam Quốc.
Được đánh là một trong những chiến lược gia vĩ đại và xuất sắc nhất thời Tam Quốc. Ông được so sánh với Tôn Tử đại tài thời Chiến Quốc.
Tuy tuổi trẻ nhưng là người có tài, Khổng Minh đã ba lần được đích thân Lưu Bị đến mời ra giúp việc nước. Ông đã giúp Lưu Bị đánh tan quân Tào Tháo ở Xích Bích, dựng nước ở đất Thục, cùng Ngô, Ngụy hình thành thế chân vạc.
Là một nhà quân sự đại tài, Khổng Minh – Gia Cát Lượng luôn có những mưu lược hơn người. Cách chọn người của ông dựa trên bảy chữ “ Chí, Biến, Thức, Dũng, Tính, Liêm, Tín” khiến hậu thế đến nay vẫn phải nghiêng mình kính phục.
Không chỉ có vậy, những mưu lược ông đưa ra như “Khẩu chiến thuyết quần nho”, “Mượn gió Đông”, “Hỏa công Xích Bích”, “Ba lần chọc tức Chu Du”, “Mưu trí bày trận Hoa Dung” ... cũng khiến kẻ thù phải nể sợ.
Trước khi mất, Lưu Bị đã chọn Gia Cát Lượng để gửi gắm toàn bộ giang sơn, mong con cháu học được cách thu phục người tài. Ông cũng đã giúp Lưu Thiện chấn chỉnh lực lượng và nội bộ, làm yên lòng dân.
Ba nhà chiến lược – ai tài hơn ai?
Có thể thấy ba nhân vật trong lịch sử thật Trung Quốc và bộ tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung, Lưu Bị - Tào Tháo – Gia Cát Lượng đầu là những bậc quân tử đại tài.
Lưu Bị lập nên nước Thục, sử dụng người tài, đức độ trong nhân dân khiến khắp nơi đều nể phục coi là bậc anh hùng.
Tào Tháo tài trí mưu lược, thông minh, đa nghi gian xảo nhiều phen khiến Lưu Bị không lường trước.
Gia Cát Lượng tuy chỉ là tướng văn nhưng hiến kế đa mưu khiến bề trên tin tưởng, kẻ thù nể phục, đời sau nghiêng mình.
Mỗi một nhân vật đều có những nét tính cách, thông minh và tài năng ở những mức độ khác nhau. Có thể trên cùng khía cạnh chính trị - quân sự nhưng các nhân vật đều rất khéo léo vận dụng để có được những thành công và sự ảnh hưởng. So sánh, đánh giá ba nhân vật Tam Quốc cũng là một cách nhận thức lại lịch sử và các giá trị, đóng góp của họ không chỉ đời nay mà còn mãi về sau.
Với tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa và 3 nhân vật trên khi mà ta đã đọc và ngâm cứu kỹ lưỡng thì ta sẽ có nhiều góc nhìn thú vị và tinh tế hơn so với sự khẩu truyền dân gian.
ReplyDelete